Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

A Dục Vương (Asoka): Cuộc Đời và Sự Nghiệp - Nhiều Tác Giả | Dịch: Minh Chi

http://www.thuvienso.info Asoka ( 304-232 TTL), người kế vị ngai vàng vương triều Maurya Ấn Độ sau Chandragupta và Bindusàra, được xem là vị hoàng đế vĩ đại nhất trong số các hoàng đế tên tuổi của thế giới. Các sử gia đã không ngớt lời ca tụng con người vĩ đại này. R. Mookerji dẫn lời các học giả nêu nhận xét về Asoka : “Asoka giống David và Solomon của Isael về phương diện nỗ lực xây dựng một vương quốc thánh thiện. Về phương diện ủng hộ và mở rộng Phật giáo thành một tôn giáo thế giới, Asoka được ví với Constantine trong lịch sử Thiên chúa giáo. Về tư tưởng và hòa hiếu, Asoka khiến người ta nhớ đến Marcus và Aurelius. Asoka cũng khiến gợi nhớ một Charlemagne trong việc bành trướng quốc gia, trong khi những biện pháp cai trị của ông khiến người ta liên tưởng tới những bài diễn thuyết của Oliver Cromwell. Các truyền thống gắn với tên tuổi của Asoka nhắc người ta về vua Arthus và các hiệp sĩ bàn tròn của ông, thiện vương Alfred hay vua St.Louis của Pháp .”Trong tác phẩm “The Discovery of India, “ Jawaharlal Nehru trích lời phát biểu của H.G.Wells : “ Trong hàng chục ngàn tên tuổi của các vị vua chúa tụ tập chung quanh các cột trụ của lịch sử, sự tôn nghiêm cùng sự độ lượng của họ, sự trầm lặng thanh thản cùng sự cao quý vương giả của họ, tên tuổi của Ashoka tỏa ánh hào quang mà hầu như một mình tỏa ánh hào quang, - là một vì sao. Từ Volga đến Nhật bản, tên tuổi của ông vẫn còn được trọng vọng. Trung Hoa, Tây Tạng và ngay cả Ấn Độ, tuy đã từ bỏ học thuyết của ông, vẫn giữ truyền thống về sự vĩ đại của ông. Ngày nay, những người đang sống nâng niu kỷ niệm về ông nhiều hơn những tên tuổi đã từng nổi tiếng như Constantine hoặc Charle-magne.”
Asoka là tên cha sinh mẹ đẻ, còn trong các chỉ dụ bia ký và trụ đá của ông, Asoka dùng hai danh hiệu khác nhau, Devànampiya và Piyadasi ( hay Priyadarśì ) , để chỉ về mình. Devànampiya nghĩa là “ Người con yêu quí của các thần linh” và Piyadasi hay Priyadarśì có nghĩa là “ Người nhìn cuộc đời với lòng từ ái.” Về cuộc đời và sự nghiệp của ông, các học giả thường nhấn mạnh hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn trước và sau khi Asoka lên ngôi khoảng tám năm và giai đoạn sau chiến thắng Kalinga trở đi, tức tám năm sau khi ông lên ngôi cho đến cuối cuộc đời. Sở dĩ có sự phân biệt như vậy là bởi đã có những chuyển biến quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông. Về một phương diện nào đó, các tài liệu liên quan không thống nhất trong việc mô tả nhân vật Asoka. Asoka như được đề cập trong các tác phẩm Mahàvamsa, Divyàvadàna hay Aśokàvadàna là một con người hoàn toàn khác với Asoka như được thấy trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Nếu như trong các tác phẩm Nam truyền Mahàvamsa, Asoka nổi danh với tên gọi Candàsoka ( Asoka tàn bạo) thì qua các tài liệu kia ký và trụ đá của ông, Asoka xứng đáng được tôn xưng là Dhammàsoka (Asoka Chánh pháp hay nhân từ). Cũng một con người, một sự nghiệp ấy nhưng Asoka mang hai biệt danh khác nhau. Đấy là đặc điểm của nhân vật lịch sử Asoka mà tác phẩm nghiên cứu này sẽ cố gắng làm sáng tỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét