Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

[Audio Book] Sóng Gió Thái Bình Dương - Ung Thanh Hà | Đọc: Tám Hà

http://www.thuvienso.info Nguyên nhân của chiến tranh bắt nguồn từ cuối thế kỉ 19, khi xã hội Trung Quốc rơi vào một thời kỳ hỗn loạn, và sự hiện đại hóa nhanh chóng của Nhật Bản. Trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã thôn tính Triều Tiên và can thiệp vào kinh tế và chính trị của Trung Quốc, đặc biệt là tại Mãn Châu. Những can thiệp bằng quân sự xảy ra từ những năm 1920, vào thời điểm này Trung Hoa rơi vào tình trạng cát cứ địa phương với một chính phủ trung ương yếu kém.
Tình hình yếu kém của Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản lợi dụng. Tuy nhiên, đến năm 1927, Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc dân Đảng nhanh chóng thu phục vùng Bắc Trung Quốc (1926-1927). Tưởng Giới Thạch đã đánh bại các thủ lĩnh địa phương ở Nam và Trung của Trung Hoa, và đồng thời thu phục các thủ lĩnh tại khu vực Bắc Trung Quốc. Trong tình hình đó, Nhật tấn công vùng Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 18 tháng 9 năm 1931 với lý do "bảo vệ đường sắt của Nhật Bản ở Nam Mãn đang bị người Trung Quốc uy hiếp". Sau khi chiếm 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Nhật Bản thành lập nhà nước Mãn Châu Quốc vào năm 1931 với người đứng đầu là vua Phổ Nghi để hợp pháp hóa việc chiếm đóng của quân Nhật ở khu vực này. Mục tiêu của Đế quốc Nhật Bản tại Trung Hoa là duy trì nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, và họ đã thành lập các chính phủ bù nhìn tại Trung Hoa không chống lại lợi ích của người Nhật. Các hành động của Nhật Bản tại Mãn Châu bị các nước phương Tây lên án, nên để phản ứng lại, Nhật đã tuyên bố rút lui khỏi Hội Quốc Liên vào ngày 27 tháng 3 năm 1933. Trong những năm 1930, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hầu như không có xung đột đáng kể do Tưởng tập trung mọi nỗ lực vào việc tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông cho rằng là mối hiểm họa còn lớn hơn cả người Nhật. Mặc dù Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản từng hợp tác với nhau, nhưng trong giai đoạn 1930-1934, cả hai lại xung đột nghiêm trọng. Người Nhật đã lợi dụng mâu thuẫn này để xâm lấn Trung Quốc, điển hình là cuộc đổ bộ vào Thượng Hải năm 1932.
Trong thời gian này, chính sách ám sát của các tổ chức bí mật và ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng năm 1928 đã làm cho chính phủ dân sự Nhật sụp đổ. Là một nước đông dân nhưng lại nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Đứng trước cuộc khủng hoảng đó, những người Gunbatsu (quân phiệt Nhật) đã chủ trương giải quyết các vấn đề quốc gia bằng chính phủ độc tài và chính sách xâm lược. Liên minh với các Gunbatsu là các nhà tài phiệt Zaibatsu gồm 4 tập đoàn tài chính lớn Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Yasuda kiểm soát nền công nghiệp Nhật và chiếm 3/4 số cổ phần cả nước. Chính phủ quân phiệt được thành lập, mặc dù việc nắm quyền của quân đội sẽ gây một số hạn chế nhưng họ đảm bảo thực hiện các mong ước của Nhật hoàng Hiro Hito. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh quy mô lớn nhằm đánh bại thế lực cường quốc phương Tây, độc chiếm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1927, thủ tướng Nhật Tanaka Giichi đã trình lên Nhật hoàng kế hoạch chiến tranh bành trướng của Nhật Bản gồm 4 bước: đánh chiếm Mãn Châu, độc chiếm Trung Quốc, làm chủ Châu Á và sau cùng là bá chủ toàn cầu. Chủ nghĩa quân phiệt đẩy mạnh bành trướng xâm lược Trung Quốc vì tư bản Nhật phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc. Năm 1931, đầu tư của Nhật tại Trung Quốc chiếm 82% đầu tư của nước này tại hải ngoại, tập trung chủ yếu tại Thượng Hải và Mãn Châu. Trong suốt giai đoạn khủng hoảng, xuất khẩu của Nhật sang Châu Âu và Hoa Kỳ gần như tụt giảm và Nhật Bản cần kiểm soát kinh tế và chính trị của Trung Quốc để sở hữu một thị trường ổn định. Trước khi tiến tới cuộc chiến tranh toàn diện vào năm 1937, Nhật đã sử dụng sức mạnh quân đội trong các cuộc xung đột địa phương để đe dọa Trung Quốc trừ khi chính phủ Trung Hoa đồng ý giảm thuế và đàn áp phong trào tẩy chay và chống đối Nhật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét