Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Giáo trình Quản Trị Chất Lượng - Trương Thị Ngọc Thuyên, 145 Trang

http://www.thuvienso.info Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy những sự biến động. Sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đã tạo ra những thách thức mới trong kinh doanh, trở thành sự sống còn của mỗi doanh nghiệp. Trong đó chất lượng hàng hóa giữ vai trò quan trọng để nâng cao vị thế cạnh tranh. Joseph M. Jura, chuyên gia chất lượng nổi tiếng của Mỹ đã nhận định: “Thế kỷ XXI sắp tới sẽ là thế kỷ của chất lượng”.
Hiện nay xu thế chung của thế giới là tăng nhanh quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa. Trong xu thế chung đó, nền kinh tế nước ta cũng ngày càng tham gia một cách tích cực vào các quá trình trên. Chính trong điều kiện này chúng ta càng phải quan tâm đến việc học hỏi các phương pháp quản lý tiên tiến và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới.
Một trong những lý do lớn nhất khiến hàng hóa Việt Nam bị nước ngoài lấn át trên thị trường là do chất lượng hàng hóa của chúng ta còn thấp. Sức ép này sẽ còn tăng lên trước Khu vực mậu dịch tự do của các nước Đông Nam Á (AFTA). Vì vậy việc nâng cao chất lượng hàng hóa là một nhu cầu cấp bách và đó thực sự là một bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp hiện nay. Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu: " Bước vào thời kỳ mới, trước những yêu cầu mới không thể làm ăn như cũ mà nền kinh tế phải chuyển động toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu chất lượng ... Nhà nước tạo điều kiện hết mức như vậy nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nước (vốn liếng, lao động... ), đầu tư phát triển kinh tế xã hội để đất nước đi vào một thời kỳ làm ăn mới. Nâng tầm chất lượng hàng hóa Việt Nam cũng chính là nâng cao vị thế Việt Nam". (*)
Kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước công nghiệp mới ở Châu Á đã chứng tỏ điều đó. Sau chiến tranh thế giới thứ II, nền kinh tế của Nhật bị kiệt quệ. Song chỉ hai - ba thập niên năm sau, nước Nhật trở thành một trong các cường quốc kinh tế. Một trong các bí quyết thành công đó là việc tiếp thu áp dụng sáng tạo quản trị chất lượng (QTCL). Những năm 60, hàng hóa “sản xuất tại Nhật” được coi là rẻ và xấu. Đã có nhiều phương pháp quản lý du nhập vào Nhật nhưng chỉ có QTCL và bám rễ chắc và áp dụng rộng rãi hơn cả. Những tư tưởng về QTCL của W.E.Deming và J.M.Juran đã được truyền bá rộng rãi cùng với những nỗ lực nghiên cứu và truyền bá tri thức trong QTCL của các nhà khoa học trong Liên hiệp các nhà khoa học và kỹ sư Nhật, đã tạo nên một phong trào chất lượng ở Nhật, được tất cả các cấp quản lý tham gia. Nhờ vậy mà mức chất lượng sản phẩm của Nhật Bản trở nên cao nhất thế giới và có khả năng cạnh tranh ở hầu hết các nước. Nhật Bản đã trở thành nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp đóng tàu, chế tạo ôtô, sản xuất rôbốt, các loại thép cao cấp, điện tử, tài chính ngân hàng… QTCL được xem là một trong những nhân tố chính tạo nên "hiện tượng thần kỳ Nhật Bản".
Quản trị chất lượng là một môn khoa học ứng dụng liên ngành còn mới mẻ đối với Việt Nam mặc dù đã được chấp nhận rộng rãi ở các nước công nghiệp phát triển. QTCL không chỉ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn có ý nghĩa hơn nhiều -đó là cách quản lý toàn bộ một công cuộc kinh doanh hoặc một tổ chức nhằm thỏa mãn đầy đủ khách hàng ở mọi công đoạn, bên trong cũng như bên ngoài, giảm thiểu lãng phí bằng cách lôi kéo mọi người tham gia vào quá trình cải tiến liên tục. Những phương pháp và kỹ thuật của QTCL có thể được áp dụng trong toàn bộ tổ chức. Những phương pháp và kỹ thuật đó đều có ích cho công tác tài vụ, bán hàng, marketing, cung ứng vật tư, nghiên cứu phát triển, quan hệ công cộng, nhân sự, có ích cho mọi hoạt động của công ty và trở thành một nét văn hóa, một lối sống trong nhiều tổ chức.
Cuốn sách này được biên soạn như là một tài liệu tham khảo để giúp các bạn sinh viên dễ dàng hơn trong việc học tập, nghiên cứu và theo dõi bài giảng ở lớp. Cùng với các môn học khác môn học QTCL sẽ cung cấp thêm cho các bạn những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến chất lượng và quản trị chất lượng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đồng thời cũng trang bị thêm một số phương pháp và kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh. Tài liệu này, chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Chân thành mong nhận được sự góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý và các bạn sinh viên để ngày càng hoàn chỉnh hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét