Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

[Audio Book] Triết Lý Vô Vi Thiên Địa Nhân - GĐ.Ông Huyền Như

http://www.thuvienso.info Thiên kia là trời – Địa đây là đất. Ngẩng lên nhìn trời sao dày chi chít. Ấy là các vị tinh tú hiển sáng giữa không gian bao la của vũ trụ. Mặt trăng chậm rãi chuyển động, thi thỏang một ngôi sao đổi ngôi. Chỉ trong đêm mới thấy sao sáng. Trời càng tối sao càng tỏa sáng nhưng là nguồn sáng dịu êm.Tiền nhân nói rằng con người ở thế gian này sống tử tế khi chết sẽ hiển thánh hiển sao bay lên sống ở cõi thiên. Nếu quả là thế thì khi ta ngẩng lên nhìn trời là ngắm nhìn cõi thiên tòan là những tâm hồn ưu tú.
Cúi xuống ngắm đất, vạn vật tốt tươi, núi đồi tĩnh lặng, sông hồ cuộn trôi, người người sống hối hả. Trong thế giới vô cùng vô tận ấy gió mưa sấm chớp biến ảo khó lường. Thời gian vô thủy vô chung chuyển hóa kỳ diệu. Cái âm âm dương dương của trời đất, cái sinh sinh diệt diệt của muôn lòai, biến hóa vô cùng thần kỳ bí hiểm.
Giữa thiên và địa ấy là Nhân – người. Con người sống giữa trời và đất, mặc định bị trời đất chi phối từ cấu trúc sinh học tới bản năng sinh vật và tinh thần. Bởi thế con người mới mang mệnh trời được biểu đạt bằng lá số tử vi. Nhưng con người là giống hiếu thắng luôn tìm cách thóat ra khỏi mệnh trời, thay đổi mệnh trời. Từ đó xuất hiện những nhà triết học hướng đạo cho con người cách thóat khỏi mệnh trời thế nào mới mong thành đạt.
Từ thời viễn cổ hồng hoang đến thời thượng cổ mông muội sơ khai, con người đã vận dụng lý trí làm sáng tỏ biết bao đạo lý triết học sâu sắc.Trong số triết nhân thời thượng cổ, người có cảm thụ sắc bén nhất, nhận thức lỗi lạc nhất đối với vạn vật vũ trụ chính là Lão - Trang – Khổng – Mạnh tử. Trong con mắt của lớp học giả thời nay, ngôn luận của các vị tiền bối có ý nghĩa phong phú và sâu sắc, đại biểu cho trình độ tư duy không chỉ ở thời mà các vị sống trên thế gian này, mà nó còn giá trị suốt hơn hai nghìn năm trăm năm sau hậu thế. René Betrand phải thốt lên: “ Ông ( Lão Tử ) chỉ viết có một quyển rất vắn tắt : Đạo – Đức – Kinh. Vài dòng chữ hợp thành quyển sách ấy chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên quả đất này”. Còn học giả E.V.Zenker thì : “ Lão Tử đâu phải chỉ sống cho đất nước Trung Hoa và thời buổi của ông mà thôi, ông là một trong những bậc thầy thuần túy nhất và sâu sắc nhất của nhân lọai”. Thậm chí, đầu thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, khi triệu tập đại hội những người được nhận giải thưởng Nôben tòan cầu tại Paris, tuyên ngôn của đại hội đó chỉ rõ: “ Nếu nhân lọai muốn được tiếp tục sinh tồn ở thế kỷ XXI , thì cần phải trở lại hơn hai nghìn năm trăm năm trước để hấp thụ lấy những trí tuệ của Khổng Tử”. Cũng lạ thay, các nhà bác học phương Đông nghiên cứu đã đành, mà ngay các nhà thông thái Âu-Tây cũng tốn bao công sức để cảm thụ sâu sắc tư tưởng thâm thúy và triết lý vô tận của “ tứ bất tử ”: Lão Tử - Trang Tử - Khổng Tử - Mạnh Tử, cũng như soi rọi những trí tuệ lập thể và không gian nội hàm được biểu cảm đằng sau những văn tự tinh luyện của họ mà nó đã gợi mở cho người đời sau đi sâu vào lĩnh vực tâm trí chính xác của con người, thức tỉnh những tiềm năng đang còn ngủ say trong đại não. Mà cũng thật độc đáo, ở Âu- Tây đồng thời với “ tứ bất tử” phương Đông trước Công lịch bốn, năm, sáu trăm năm cũng đã có những bậc tiền bối như Héraclite, Pythagore, Aristote, Zénon, Epicure, mà sao học giả Tây-Âu vẫn cứ đắm say với “ tứ bất tử” phương Đông. Có lẽ cái bao la của thiên địa muôn lòai dưới ngôn luận của bốn cụ được cô quy gọn vào ba thứ Thiên - Địa - Nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét