Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Cậu ấm ngây thơ - Natsume Soseki | Dịch: Bùi Thị Loan, 234 Trang

http://www.thuvienso.info “Cậu ấm ngây thơ” tiểu thuyết Nhật Bản (Nguyên tác tiếng Nhật: Bốt chang) là một câu chuyện về một cậu bé khờ khạo bẩm sinh trong một ngôi trường trung học bình thường như bao ngôi trường khác. Nhưng xung quanh cậu có bao nhiêu chuyện cũng giống những chuyện hàng ngày vẫn xảy ra với giới học sinh. “Bốt chang” là một từ dùng để chỉ một người nam giới có một địa vị tương đối hoặc là con nhà giàu sang quyền quý có danh giá nhất định trong xã hội. Nghĩa này có thể hiểu tương đương “cậu ấm” hay “công tử” trong tiếng Việt. Người Nhật thường dùng bốt chang để gọi con trai của người khác, với ý tôn trọng, đề cao và có ý lấy lòng đối phương, giống như người Việt hay nói “cậu nhà”, “quý tử”… “Bốt chang” còn được dùng để chế giễu những người con trai được nuôi dưỡng trong môi trường nhung lụa được nuông chiều, nên ít hiểu biết cuộc đời, ngây thơ khờ khạo trước thực tế cuộc sống.
Tác phẩm này được Natsume Soseki (1867-1916) viết năm 1906, và được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Hototogisu. Tác giả Natsume Soseki là một nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức đa dạng có thiên tài đặc biệt. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông có nhiều nét độc đáo được coi là “một hiện tượng lạ lùng hiếm có của văn học Nhật Bản”. Ông là một văn hào tiêu biểu cho văn học Nhật Bản, có vai trò chủ chốt trong nền văn học cận và hiện đại Nhật Bản, là nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong toàn bộ thời kỳ tiến hành công việc hiện đại hoá của Nhật. Năm 1984, đánh dấu mốc lịch sử 100 năm công cuộc hiện đại hoá Nhật Bản, chính phủ Nhật đã chọn 3 nhà trí thức tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn đến xã hội để in ảnh trên giấy bạc. Một trong số đó là Natsume Soseki, ảnh của ông được in trên tờ bạc 1000 yên. Cùng với “Cậu ấm ngây thơ” hình ảnh của ông đã trở nên quen thuộc với người dân xứ sở hoa anh đào.
Bối cảnh của “Cậu ấm ngây thơ” được lấy nguyên mẫu từ trường trung học Matsuyama, một số địa điểm và sự vật trong truyện cũng được lấy đúng theo thực tế. Có những tên người, sự vật được giữ nguyên, có địa điểm, địa danh được đặt tên khác. Từ sau khi truyện ra đời có nhiều sự vật thực tế được gọi theo như trong truyện. Ví dụ “tàu hoả Bốt chang”,”nước nóng Bốt chang”, “Đảo Turner”… Nhà tắm nước nóng Dogo ở thành phố Matsuyama tỉnh Ehime mà trong truyện được gọi là “suối nước nóng Sumita hiện nay được xếp là di tích lịch sử quốc gia và được gọi là suối nước nóng Bốt chang. Có thể nói “Cậu ấm ngây thơ” đã đi vào lòng người và trở nên thân thuộc với người dân Nhật Bản không chỉ vì nội dung vui vẻ, hài hước, mới mẻ và sảng khoái mà nó còn chứa đựng ước mơ, tinh thần thời đại của người dân Nhật Bản trong tiến trình xây dựng đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét