Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Cổ Thi Tác Dịch - Nhiều Tác Giả | Dịch: Thái Bá Tân, 1291 Trang

Cuốn “Cổ thi tác dịch” in năm 2001 chỉ có khoảng 200 bài thơ bốn câu của các tác giả Việt Nam và 400 bài các tác giả Trung Quốc. Lần này tổng cộng hơn 2000 bài, cả bổ sung thơ bốn câu lẫn thơ tám câu mới dịch. Về số lượng, thơ Việt Nam (1124 bài) được chọn dịch còn nhiều hơn Trung Quốc (923 bài). Những gì cần nói có lẽ đã nói hết ở lần trước, chỉ xin thêm một vài ý như sau.
1. Đây là công trình dịch thuật tôi tâm đắc nhất, và đã dành trên dưới mười năm cho nó. Có thể trong tương lai tôi còn quay lại hoàn chỉnh, bổ sung thêm. Tôi tự nghĩ tập sách này là đóng góp lớn nhất của mình cho nền văn học nước nhà, dù tôi đã viết và xuất bản khoảng 150 truyện ngắn, 1000 trang thơ sáng tác, nhiều nghìn trang thơ dịch và mấy cuốn tiểu thuyết chưa in.
2. Trong quá trình làm việc, tôi tham khảo nhiều bản dịch nghĩa khác nhau của nhiều người, xưa cũng như nay, và phát hiện thấy đôi khi chúng mâu thuẫn, thậm chí trái ngược về nghĩa. Trong trường hợp ấy, tôi chọn một phương án dung hòa phù hợp với ngữ cảnh, hoặc gọi điện hỏi các chuyên gia. Với tôi, hiểu nguyên bản mới chỉ một phần mười công việc. Chín phần còn lại là chuyển đạt sang thơ tiếng Việt. Tôi đã mạn phép các tác giả cổ gạt bỏ khá nhiều chi tiết mang tính ước lệ, đơn giản hóa, hiện đại hóa các cụ và nhào nặn, gò ép ý tưởng các cụ theo cách của tôi. Hy vọng các cụ (và cả bạn đọc nữa) tha cho cái tội láo ấy của hậu thế, vì dụng ý của tôi là tốt, chỉ muốn các cụ đẹp hơn, dễ hiểu hơn và sống động hơn trong tiếng Việt hiện đại. Nhược bằng thất bại, thì tôi xin lặng lẽ chịu đựng tất cả. Suy cho cùng, như đã nói, thơ cổ Việt Nam, Trung Quốc là di sản chung của mọi người, mọi thời đại, và ai cũng có quyền đọc, hiểu và dịch theo cách riêng của mình như một cử chỉ bày tỏ sự kính trọng đối với di sản đó.
3. Nhân dịp này, lần nữa tôi xin có lời cảm ơn các đồng nghiệp mà tôi đã tham khảo bản dịch thơ và dịch nghĩa, đặc biệt các ông Ngô Văn Phú, Lê Nguyễn Lưu, Nam Trân, Đào Phương Bình, Đào Duy Anh, Quách Tấn, Khương Hữu Dụng và rất nhiều người khác mà danh sách quá dài không thể nêu tên hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét