Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam - Dương Danh Dy, 338 Trang

Chúng tôi bắt đầu công bố dưới đây toàn văn tập hồi kí nhan đề GHI CHÉP THỰC VỀ VIỆC ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP (Hồi ký của những người trong cuộc), do Dương Danh Dy dịch và hiệu đính theo ấn bản 2002 của Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bắc Kinh).
Đây là lời kể của những người Trung Quốc đã sang Việt Nam thời gian 1950-54 làm cố vấn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mở đầu là hồi kí của LA QUÝ BA, Trưởng đoàn cố vấn, đồng thời là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nguyên bản bài viết mang đầu đề : MẪU MỰC SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN / Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp. Ngày nay, thực tiễn cũng như các tư liêu lịch sử cho thấy thực chất mẫu mực ấy như thế nào : cái nhìn của bản thân Mao Trạch Đông về Việt Nam và Đông Nam Á (trong các cuộc nói chuyện vói Edgar Snow ở Diên An) mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa Đại Hán ; chủ trương "chia để trị" của "thiên triều" thể hiện rõ trong vai trò của Trung Quốc ở Hội nghị Genève năm 1954 (với tài năng phi thường của Chu Ân Lai), xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ (1959-1975) cũng như trong thời kì "chiến tranh Đông Dương lần thứ ba". Từ "chống đế quốc Mĩ đến người Việt Nam cuối cùng" đến "bài học 1979" dạy cho "tiểu bá vô ơn bạc nghĩa" -- và ngày nay nữa trong quan hệ "16 chữ vàng" hào nhoáng -- đó là một chính sách nhất quán, "làm gì cũng có tính toán thâm sâu", trước sau như một, chỉ thay đổi là thái độ, phương tiện và phương pháp (hữu nghị hay thù nghịch, ủng hộ hết mình hay mưu ma chước quỷ, "đánh cho kiệt máu")...
Nhắc lại những sự thật cơ bản ấy không có nghĩa là "chống Trung Quốc một cách có hệ thống", càng không có nghĩa là Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam không có trách nhiệm gì hết trong diễn biến của quan hệ Việt Trung từ hơn nửa thế kỉ nay (sức ép của cố vấn Trung Quốc mạnh mẽ tới đâu thì cuộc "cải cách ruộng đất" cũng do ĐCSVN tiến hành và chịu trách nhiệm, sự kiện 1979 có mặt tất yếu của nó, song nếu ban lãnh đạo, bắt đầu từ tổng bí thư Lê Duẩn, biết vượt qua sự kiêu căng và biết ứng xử mềm mại với "anh hai khổng lồ" -- như chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì suốt đời -- thì chưa chắc sự vỉệc đã diễn ra như nó đã diễn ra, ít nhất ở mức độ đó ; và những sai lầm của ông Lê Duẩn cũng không thể biện minh cho những "im lặng đáng sợ" và "khấu đầu" hiện nay. Mặt khác, chúng ta không thể đồng hóa chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc với thái độ của nhân dân Trung Quốc, mặc dầu chính sách ngu dân của Bắc Kinh không gặp nhiều khó khăn để kích thích tinh thần đại hán. Càng không thể quên sự chi viện to lớn mà Việt Nam đã nhận được của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất.
Trở lại hồi kí của Lã Quý Ba và các đồng chí của ông. Bên cạnh mặt tuyên truyền và "sách đỏ" Mao Trạch Đông, tập sách này cung cấp cho người đọc những thông tin bổ ích và những quan điểm mà bạn đọc có đủ yếu tố để đánh giá đúng sai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét