Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Con Người và Vũ Trụ - Trần Chung Ngọc, 263 Trang

zxcCon người và vũ trụ là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn.  Tôn giáo và khoa học cũng là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn.  Cho nên tôi phải thú thực với độc giả là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ 4 chủ đề trên trong cuốn sách nhỏ này.  Có 2 lý do.  Thứ nhất, tôi không thể biết hết những gì thuộc bất cứ  chủ đề nào  trong 4 chủ đề trên, và có lẽ không ai trên thế gian này có thể biết hết những điều đã được khám phá ra trong mỗi chủ đề, khoan nói đến chuyện những điều chưa được khám phá ra.  Trang Tử đã chẳng nói: "Cái biết của thiên hạ thì vô hạn, cái biết của cá nhân thì hữu hạn, mang cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn, nguy vậy thay!" hay sao?  Và Thomas H. Huxley cũng đã chẳng nói: "Những gì mà chúng ta biết thì hữu hạn, những gì mà chúng ta không biết thì vô hạn." (The known is finite, the unknown is infinite)? Thứ nhì, ngay với những điều tôi biết trong mỗi chủ đề mà tôi biết chắc còn thiếu sót rất nhiều, cũng không thể trình bày trong đầy đủ một cuốn sách.  Vì vậy, trong cuốn sách này, tôi xin tự hạn trong một số tiểu đề mà tôi cho là những điều mà con người hiện đại không thể thiếu sót trong bộ kiến thức của mình, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta trên con đường hiện đại hóa đất nước.
Cuốn sách này gồm có 2 phần: Phần I: Con Người & Vũ Trụ, và Phần II: Tôn Giáo & Khoa học.  Trong Phần I tôi sẽ tự hạn trong 2 tiểu đề: Nguồn Gốc Vũ Trụ và Nguồn Gốc Con Người, cố gắng cập nhật hóa những kiến thức mới nhất và có tính cách thuyết phục nhất về hai chủ đề này. Trong Phần II, tôi sẽ chú trọng đến Phật Giáo nhiều hơn, vì Phật Giáo là một tôn giáo lớn. Lớn về tư tưởng, triết lý, luân lý, đạo đức, cộng với những đặc tính Từ Bi, Hòa Bình, Vị Tha, Nhân Bản, Nhân Chủ v..v.. chứ không phải lớn vì có số tín đồ đông đảo nhất thế giới.  Lớn vì Phật Giáo chưa từng cưỡng ép bất cứ ai phải tin vào Phật Giáo, khoan nói đến chuyện bách hại những người có tín ngưỡng khác, và lớn vì trong suốt hơn 2500 năm lịch sử, Phật Giáo chưa từng vấy một giọt máu của đồng loại trong quá trình phát triển.  Vì tinh thần khoa học và Phật giáo gặp nhau ở nhiều điểm, nhiều tư tưởng, cho nên khi bàn về chủ đề  Tôn Giáo & Khoa Học, chúng ta không thể không đặt trọng trọng tâm vào Phật Giáo.  Tuy nhiên, chúng ta cần phải ý thức ngay rằng, cái dụng của Khoa học và cái dụng của Phật Giáo rất khác nhau, thuộc hai bình diện khác nhau.  Trong Phần II, tôi sẽ khai triển một số tương đồng và khác nhau giữa khoa học và Phật Giáo. Phần Tài Liệu Tham Khảo Chọn Lọc cuối sách có thể giúp độc giả tìm hiểu thêm chi tiết về những vấn đề tôi trình bày trong cuốn sách này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét