Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công Tác Thanh Tra - Quách Lê Thanh, 65 Trang



http://www.thuvienso.info Với quan điểm thanh tra là một công tác rất quan trọng, ngay từ những ngày đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lúc bấy giờ có khá nhiều ý kiến do các tầng lớp nhân dân phản ánh bằng thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp, thậm chí nhiều nhân sỹ, trí thức yêu nước phát hiện một số việc làm sai trái của các nhân viên trong bộ máy chính quyền, nhất là ở địa phương đã gửi thư đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước thực tế đó, ngày 23/11/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 64/SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, (tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra hiện nay. Ban Thanh tra đặc biệt "có uỷ nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”, "có toàn quyền nhận đơn khiếu nại của nhân dân”. Kết quả hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt thời kỳ đó đã góp phần rất quan trọng vào việc củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, giữ nghiêm kỷ cương phép nước và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
Tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Người đã chỉ rõ "Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, "Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Người xác định một cách rất cụ thể và dễ hiểu vị trí của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước "Thanh tra là công tác rất quan trọng, nếu như Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết đưa về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm, trên không biết, địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết, trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành như thế nào". Lời huấn thị đó đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của mỗi cán bộ thanh tra qua nhiều thế hệ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là trách nhiệm, bổn phận, của chính quyền với nhân dân mà là ở chỗ, qua công tác này chúng ta phát hiện được những sai sót, hạn chế, biết được năng lực, trình độ của cán bộ, đảng viên để kịp thời sửa chữa, uốn nắn; kể cả việc phát hiện ra những bất hợp lý của chính sách, pháp luật để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trước đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.
Nói đến nguyên nhân nhân cơ bản dẫn đến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thường là do các cấp chính quyền và cán bộ có khuyết điểm, kinh nghiệm còn ít, tài năng còn hạn chế; song, nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu sự kiểm tra giám sát để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những khuyết điểm, thiếu sót. Chính vì vậy, Người chỉ thị "Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn"(1).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét