Độc giả Mỹ chẳng lạ gì tựa sách đó. Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, nó là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách "best-seller" đều được quay thành phim. "The Godfather" đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ. Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, "Bố Già" là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, "Bố Già" gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là "Mafia" theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
Sự toàn năng tối thượng của "Bố Già" một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra. Balzac đã viết:"Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác". Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật "Bố Già" của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có… đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực. Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và "The Godfather" cho chúng ta biết rằng nhân vật "Bố Già" ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm "Mano Nero" (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức "La Cosa Nostra" (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét