Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

[Audio Book] Các Lý Thuyết Xã Hội Học - Ts.Vũ Quang Hà | Nhiều Người Đọc

http://www.thuvienso.info Xã hội học là khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, và đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc. Xã hội học là môn khoa học xã hội còn rất non trẻ, mặc dù vậy nó cũng có một lịch sử phát triển riêng biệt. Trước thế kỷ 19, xã hội học chưa tồn tại như một môn khoa học độc lập mà bị hòa tan vào trong các khoa học khác như nhân chủng học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, tâm lý học xã hội và đặc biệt là triết học - môn khoa học của mọi khoa học. Xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng, quá trình, thiết chế xã hội nhờ sự vận động phát triển xã hội. Mang tính chất quan hệ: những sự kiện, hiện tượng, quá trình, thiết chế xã hội mang tính chất quan hệ đó được đặt trong một tổng thể thống nhất.
Xã hội học xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XIX với tư cách là một tất yếu lịch sử xã hội. Tính tất yếu đó thể hiện ở nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện và tiền đề biến đổi và nhận thức đời sống xã hội. Các biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu vào thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX đã đặt ra những nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội.
Bắt đầu từ thế kỷ 18, đời sống xã hội ở các nước Châu Âu trở nên hết sức phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp 1750 đã đưa đến những đảo lộn ghê gớm. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ gây nên những làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái biến động không ngừng: chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số, tan rã hàng loạt các thiết chế cổ truyền,... Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó đóng vai trò tương tự như một bác sĩ luôn luôn theo dõi cơ thể sống - xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội (social problems), dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.
Emile Durkheim - một trong các bậc tiền bối của khoa học xã hội học đã phát biểu rằng: cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng "khỏe mạnh" hay "bệnh tật" và sau đó nhà xã hội học phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội. Và mãi cho đến nửa sau của thế kỷ XIX, xã hội học mới xuất hiện với tư cách là một môn khoa học độc lập có đối tượng, chức năng và phương pháp riêng biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét