Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

[Audio Book] Công tác tham vấn trẻ em - Xuân Nghĩa | Đọc: Hướng Dương

http://www.thuvienso.info Theo thống kê, TP Móng Cái hiện có trên 300 trẻ mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, vi phạm pháp luật, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, bị buôn bán...; gần 2.000 trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, bố mẹ ly thân, ly hôn, gia đình có người vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong những năm gần đây số trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới, trẻ bị xâm hại, trẻ vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng. Trước tình hình này thành phố đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em tại cộng đồng hiệu quả; trong đó, phải kể đến công tác tham vấn, tư vấn.
Ở cấp cơ sở, 100% xã, phường trên địa bàn đều tận dụng các cuộc họp để lồng ghép tuyên truyền, nâng cao kiến thức về bảo vệ trẻ em. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ cũng đẩy mạnh hiệu quả các câu lạc bộ chuyên đề như “Phụ nữ với hạnh phúc gia đình” “Thanh niên ba sẵn sàng” để nhấn mạnh đến các vấn đề về trẻ em. Mặt trận Tổ quốc thường xuyên tiếp cận tuyên truyền tại gia đình về các chính sách pháp luật về trẻ em... Trong 3 năm gần đây, các cơ quan chức năng thành phố đã tạo điều kiện cho 16 trẻ trở về với gia đình; trong đó, phần lớn là trẻ ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua Trung tâm Tiếp nhận trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thành phố cũng triển khai rất hiệu quả những chương trình tham vấn, tư vấn dành cho trẻ bị buôn bán qua biên giới, trẻ em bị xâm hại... Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận và tư vấn cho hàng chục trẻ trong diện này. Các trẻ trong thời gian lưu trú tại đây đều được chăm sóc y tế, nuôi dưỡng, quản lý. Nhiều trường hợp được Trung tâm kết nối với các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em; được can thiệp tâm lý, trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Thêm nữa, Trung tâm còn phối hợp với Đồn Biên phòng số 11, Đồn Biên phòng Cửa khẩu thành phố, Công an thành phố tổ chức các đợt cấp phát thuốc, chữa bệnh kết hợp trực tiếp tuyên truyền cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã biên giới về những nguy cơ các em có thể mắc phải. Chính nhờ vậy mà đã góp phần kiểm soát, giảm thiểu đáng kể số vụ buôn bán trẻ em qua biên giới, xâm hại trẻ em.
Trên cơ sở những báo cáo, đánh giá của các địa phương, các cơ quan quản lý về trẻ em, thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình truyền thông, tham vấn, tư vấn tập trung. Đồng thời, ban hành những chính sách trợ cấp cần thiết và thoả đáng. Năm 2011, thành phố đã trợ cấp thường xuyên hàng tháng mức 100.000 đồng/trẻ cho 71 trường hợp. Từ đầu năm đến nay hàng chục trường hợp khác đang được hoàn tất hồ sơ để thụ hưởng chính sách ưu đãi này. Bên cạnh đó thành phố đẩy mạnh hoạt động vận động hỗ trợ trẻ em trong khối doanh nghiệp và những cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Đến thời điểm hiện nay 11 trẻ đã được nhận đỡ đầu hàng tháng đến hết năm 18 tuổi. 
Có thể nói các hoạt động tham vấn, tư vấn cho trẻ em tại cộng đồng của Móng Cái đang đạt được những hiệu quả đáng khích lệ. Từ năm 2011 đến thời điểm hiện nay toàn thành phố đã tiếp cận trực tiếp để tuyên truyền các nội dung liên quan về trẻ em cho hàng ngàn lượt trẻ, trong đó tư vấn cá nhân cho 23 lượt trẻ, tham vấn riêng về luật phòng chống bạo lực gia đình cho 1.164 lượt trẻ... Từ đây đã giúp cho không ít trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được thăm hỏi, động viên, can thiệp, trợ giúp kịp thời khi có sự việc xảy ra, từ đó có điều kiện thuận lợi để vươn lên cải thiện cuộc sống. Đối với trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng được tiếp cận với những chính sách về quyền lợi dành cho trẻ em, những tác động xấu có thể xảy ra đối với bản thân để biết cách phòng tránh những hậu quả đáng tiếc. Riêng phía gia đình và người thân của trẻ em, qua các hoạt động tư vấn, tham vấn cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét