Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Đại Thanh Vạn Niên Nhất Thống Địa Lý Toàn Đồ - Nguyễn Duy Chính, 40 Trang

http://www.thuvienso.info Thanh địa lý đồ là bộ đồ trục (treo dọc) gồm 8 bức, mỗi bức có kích thước 30×180cm [kích thước tổng thể 240x180cm], xếp theo thứ tự từ phải sang trái. Mỗi đồ trục được bồi diềm theo cách thức bồi tranh thủy mặc, gồm hai mảng, mảng diềm tiếp cận địa đồ màu vàng đất, mảng diềm bên ngoài (tức phần trên và dưới) màu nâu sẫm. Giữa mảng diềm nâu phía trên đính nhãn tiêu đề: “Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ”, nhãn tiêu đề nền màu xanh chữ trắng, kèm số thứ tự từ Nhất đến Bát.
So với tiêu đề chính in trong phần nội dung ở đồ trục thứ nhất thì nhãn tiêu đề của cả 8 đồ trục đều thiếu hai chữ vạn niên (萬 年), tuy nhiên khi gọi tên chính thức của địa đồ này, phải căn cứ trong phần nội dung, tức phải gọi/viết là Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ.
Mỗi đồ trục khi cuộn lại sẽ hiện rõ phần nội dung do cơ quan lưu trữ thực hiện, phần này nằm mặt sau của đồ trục, dọc theo thanh đính dây treo, nội dung này gồm ba phần như sau.
Trong 8 đồ trục của toàn đồ, bức thứ 2 đến thứ 8 còn hoàn hảo, đồ trục thứ nhất do bị thấm nước khi ở dạng đang cuộn tròn nên vết thủng xếp thành một dãy, làm mất một số chữ ở tiêu đề và một số chữ ở phần nội dung tổng quát.
Đường nét Thanh địa lý đồ cho thấy được thực hiện bằng phương pháp khắc in, phần lục địa được thể hiện bằng màu xanh dương đậm; hải diện màu xanh lá nhạt; sông, núi, các nét viền, chữ và các ký hiệu có màu trắng; sa mạc phía bắc và Ngũ nhạc [Thái Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn] điểm thêm màu đỏ.
Thông tin đính kèm Thanh địa lý đồ ở thư viện điện tử Đại học Waseda cho thấy địa đồ này không rõ người thực hiện và năm thực hiện. Hai dòng thông tin [nơi bị ảnh hưởng bởi các vết thủng ở đồ trục thứ nhất] ở phần nội dung khái thuật cho thấy người thực hiện Thanh địa lý đồ nhắc đến bức Thiên hạ toàn đồ của họ Hoàng ở Dư Diêu (Triết Giang) soạn vẽ năm Càn Long Đinh Hợi. Qua một số thư mục tham khảo của học giới Trung Quốc, chúng tôi thấy có bức Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ – 大 清 萬 年 一 統 天下 全 圖,, tác giả là Hoàng Chứng Tôn, soạn năm Càn Long thứ 32 (1767), tức năm Đinh Hợi, đã khắc bản cho in. Điều này cho thấy có thể tác giả Thanh địa lý đồ đã dựa vào hoặc tham khảo địa đồ của Hoàng Chứng Tôn. Cũng qua các thư mục tham khảo của học giới Trung Quốc, lại thấy có bức Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ, không rõ tác giả, soạn/vẽ năm Gia Khánh thứ 15 (1810), tên bức địa đồ này hoàn toàn trùng khớp với Thanh địa lý đồ, như vậy về niên đại, có thể phỏng định Thanh địa lý đồ được thực hiện năm 1810. Ngoài ra, theo một số chú thích của Lâm Kim Chi trong bài “Đông Sa đảo lịch sử khảo lược” [Hạ Môn đại học học báo, số 2, 1981] thì bức Thanh địa lý đồ là bức địa đồ được phóng to, thêm màu và khắc in dựa y theo nội dung Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ của Hoàng Chứng Tôn, vốn đã từng được khắc in năm 1767. Tuy nhiên, vì chưa nhìn thấy địa đồ của Hoàng Chứng Tôn nên tạm thời chúng tôi không kết luận chắc chắn về niên đại và cơ sở y cứ của Thanh địa lý đồ như ý kiến của Lâm Kim Chi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét