Sơn Nam là nhà văn sinh ra và lớn lên ở miền cực Nam của Tổ quốc. Tuổi thơ của ông trải dài cùng những cánh rừng bạt ngàn của vùng U Minh Hạ, tắm mình trong những dòng nước bao la với lượng phù sa bồi đắp quanh năm của vùng sông nước Nam bộ. Quê hương ông là quê hương của những con rạch chằng chịt, chim trên bờ, cá dưới sông, cây trái bốn mùa tươi tốt, với cảnh sắc hoang sơ nhưng hùng vĩ. Chính những bức tranh thiên nhiên Nam bộ từ buổi đầu tiếp xúc này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Vì vậy mà hầu hết trong các truyện ngắn của ông đều đầy ắp khung cảnh của thiên nhiên Nam bộ. Thiên nhiên Nam bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam thường đa dạng sắc màu với cảnh trời nước mênh mông, cảnh trăng sáng vằng vặc, có màu xanh của tràm, màu vàng của lúa chín, có mùi hương của tràm, mùi hương mật ong, mùi rơm rạ của cánh đồng lúa chín… Mỗi một câu chuyện trong sáng tác của ông là một bức tranh tả thực về cuộc sống của con người và làng quê Nam bộ. Có khi đó là một vùng đất hoang sơ hùng tráng, cũng có khi là một vùng đất đai trù phú; có lúc là một mảng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt… “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của ông về vùng đất và con người Nam bộ. Truyện tái hiện lại vùng đất Nam bộ thời khẩn hoang và những gian lao thử thách của con người để chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khai phá nơi vùng đất hoang vu này.
Cảnh quan thiên nhiên trong “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” là cảnh quan thiên nhiên thời khẩn hoang Nam bộ. Kể từ những bước chân đầu tiên của lưu dân miền Trung vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ thì vùng đất này lúc bấy giờ còn hoang hóa, thiên nhiên còn lắm khắc nhiệt, thú dữ hoành hành:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
Hoặc:
Tới đây xứ sở lạ lùng,
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.
Vẻ hoang vu của vùng đất Nam bộ còn được Châu Đạt Quan, một sứ thần của triều đình nhà Nguyên (Trung Quốc) ghi lại trong “Chân Lạp phong thổ ký” như sau: “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa đường trong sông (sông Cửu Long), thấy những cánh đồng hoang không một gốc cây. Xa nữa, tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họp từng bầy. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm”. Chính vẻ hoang vu này đã là môi trường lí tưởng cho các loài thú dữ trú ngụ và hoành hành, như: cọp, sấu, muỗi mòng, rắn, rết… Hơn nữa, cuộc sống của con người ở đây chủ yếu dựa vào nguồn lợi của núi rừng và nguồn lợi từ các dòng sông, mà lên rừng thì đầy cọp, xuống sông thì sấu nằm chi chít, nên cuộc sống của con người lúc bấy giờ rất mong manh: “Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng!
So sánh như vậy không phải là quá đáng! Dân làng xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi. Cái ao lớn ước chừng một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau sậy, dây cóc kèn. Sấu nổi lên, chen vào bức tranh màu xám ấy những vệt đen chi chít: con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công, đại bác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét