Ở Âu Mỹ cũng có rất nhiều sách bình dịch Đạo đức kinh. Ví dụ: Le livre de la Voie et de la Vertu của Stanislas Julien (1842); Tao Tei king của linh mục Léon Wieger (1950); Le livre de la Voie et de la Vertu của J. J. L. Duyvendak (1953); The Way and its Power của Arthur Waley (1934); The Tao Te ching của James Legge, v.v.
Khó ở chỗ làm sao tìm ra được một đường lối để dịch và bình cho phóng khoáng, mà vẫn không sợ lạc nghĩa. Các nhà bình giải Đạo đức kinh thường chú trọng giải thích từng chữ từng câu trong Đạo đức kinh, lại còn tham bác trích dẫn lời bình giải của học giả khác. Khi dịch thì cố dịch cho thật sát nghĩa đen. Tất cả những sự cố gắng rất đáng ca ngợi về phương diện phương pháp, công phu và văn chương ấy, tiếc thay nhiều khi lại làm cho Đạo đức kinh trở nên mù mờ, khó hiểu hơn.
Riêng tôi, tôi sẽ áp dụng một phương pháp khác. Tôi sẽ nhìn Đạo đức kinh cũng như học thuyết Lão-Trang nói riêng, và các tác phẩm của đạo gia nói chung qua lăng kính của Huyền học (Mysticisme). Tôi nghĩ rằng: Nếu hiểu được chủ trương và mục đích của khoa Huyền học, những phương pháp của các nhà huyền học đã dùng để đạt tới mục phiêu, những lời lẽ bóng bảy mà các ngài dùng, là để truyền cho nhau công thức tâm tư, ta sẽ hiểu được, ít là tám phần mười, Đạo đức kinh cũng như thư tịch Đạo giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét