Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ - Nguyễn Nhật Ánh, 218 Trang



dTừ lâu, Nguyễn Nhật Ánh đã được những độc giả nhỏ tuổi nhắc đến với tình cảm trìu mến bởi anh là một nhà văn của các em, viết vì các em, cho các em. Giống như tác giả tự thú nhận, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ “không hề giống với bất cứ cuốn sách nào”. Cuốn sách mở đầu bằng một nhận xét về cuộc đời của nhân vật chính là Mùi, một chú bé mới tám tuổi: “Cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Với một loạt dẫn chứng hùng hồn, cậu cho rằng “cuộc sống thật là cũ kỹ”. Mở đầu như thế, cuốn sách khiến độc giả giật mình, tự hỏi, tuổi thơ thời bây giờ phải chăng đã già đi mất rồi? Và cu Mùi chỉ “trẻ” lại khi cùng các bạn mình bắt đầu loay hoay tìm mọi cách thoát khỏi sự buồn chán, vô vị bằng “bảo bối” sẵn có của trẻ thơ – đó là trí tưởng tượng. Với bảo bối ấy, các em chơi trò “vợ chồng, bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn, mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc.


Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ con. Tác giả đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời thơ ấu, và cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương cách tiếp cận chúng từ một tư thế khác – tư thế của những người bạn – nhằm có thể xóa đi được “lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giới giàu, nghèo trong xã hội”. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả – người lớn có cơ hội hiểu rõ mình hơn bằng cách “chịu đựng” sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với một loạt những so sánh về “các trò chơi” của trẻ con và người lớn! Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng sẽ đem lại cho các em niềm vui thích, nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác. Các em nhìn thấy mình trong cuốn sách với tư cách là những người ngang hàng với nhà văn! Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là “được trân trọng và thấu hiểu”!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét