Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Cửu Vạn Trên Núi - Phùng Ký Tài | Dịch: Lê Anh Minh, 30 Trang



Trên núi Thái Sơn, đâu đâu cũng gặp cửu vạn. Trên vai họ là chiếc đòn gánh trơn bóng. Hai đầu đòn gánh có vài sợi dây máng vật nặng. Khi lên núi, một tay họ giữ lấy đòn gánh, một tay đánh đàng xa để giữ thân mình thăng bằng. Đường đi của họ theo đường gấp khúc.


Lúc đầu khởi bước từ bên trái của bậc thềm, họ đi xiên lên trên. Lên được bảy tám bậc đến bên phải bậc thềm thì họ xoay người. Mỗi lần xoay người, họ chuyển đòn gánh từ bờ vai này sang bờ vai kia. Họ đi lên theo đường gấp khúc như vậy để cho vật nặng treo ở một đầu đòn gánh không va vào bậc thềm, lại còn bớt được khí lực. Nếu gánh vật nặng mà đi giống như du khách thông thường, tức là đi thẳng lên trên hay thẳng xuống núi, thì đầu gối sẽ không chịu nổi. Nhưng đi theo đường gấp khúc thì đường đi sẽ dài thêm ra. Mỗi lần lên núi, đường đi của cửu vạn dài gần gấp đôi đường đi của du khách.


Điều kỳ lạ là tốc độ cửu vạn di chuyển không chậm hơn du khách. Khi bạn thong dong đi ngang qua họ, bạn nghĩ bạn sẽ bỏ xa họ sau lưng. Khi bạn dừng ở một chỗ nào đấy ngắm nhìn phong cảnh xinh đẹp, hoặc đứng ven đường đọc những câu thơ của cổ nhân được tạc trên vách núi, hoặc dừng lại rửa mặt rửa chân bên khe suối róc rách thì họ lặng lẽ đi ngang qua bạn, rồi đi trước bạn. Đến khi bạn phát hiện, bạn hẳn kêu ồ lên một tiếng kinh ngạc, ngỡ rằng họ là những vị tiên cưỡi mây đạp gió lên trước bạn.


Có một lần, tôi cùng vài bạn họa sĩ lên Thái Sơn để vẽ ký họa, nên đã gặp tình huống ấy. Ở chân núi, chúng tôi mua gậy trúc để đi lên núi thì gặp một tay cửu vạn, dáng người thâm thấp, mặt đen đen, chân mày rậm, chừng 40 tuổi là cùng. Chiếc áo ngoài rộng rãi màu cháo lòng lộ ra chiếc áo chẽn màu đỏ bên trong. Một đầu đòn gánh là cái băng ghế gỗ, còn một đầu là năm sáu quả dưa hấu xanh vỏ. Chúng tôi vượt qua anh ta rất nhanh. Đến dốc Hồi Mã, chúng tôi mệt, bèn thoải mái nằm nghỉ trên phiến đá lớn vốn được gió núi quét dọn sạch sẽ. Chúng tôi phát hiện anh chàng cửu vạn hồi nãy đang ngồi trên bãi cỏ đối diện nghỉ chân và hút thuốc. Ngay sau đó chúng tôi và anh ta gần như cùng lúc đi tiếp. Rất mau chóng, chúng tôi bỏ anh ta ở phía sau, không thấy bóng anh ta đâu. Khi chúng tôi leo đến cái đình nghỉ mát Ngũ Tùng ở lưng núi, thì chợt thấy bên cội tùng già dáng vẻ kỳ dị chính là anh ta, đang sửa lại quang gánh. Chiếc áo ngoài rơi xuống, lộ rõ cái áo chẽn màu đỏ, bắp tay ngâm đen rắn rỏi. Tôi rất kinh ngạc, bèn đến anh ta bắt chuyện. Người dân sơn cước này nói chuyện rất hồn nhiên. Anh nói nhà anh ở chân núi, ngày ngày gánh hàng lên núi. Công việc này tính ra đã gần 20 năm rồi. Mỗi năm bốn mùa, mỗi ngày một lượt lên một lượt xuống. Anh ta nói: “Ông thấy tôi lùn thấp phải không? Dân gánh thuê mà; đòn gánh đè vai mãi, nên vừa lùn vừa thô kệch. Những người cao lớn như ông làm việc này không được đâu; lên đường là lắc lư ngay”. Anh nhướng chân mày rậm, ngoác miệng cười lộ hai hàng răng rất trắng. Dân sơn cước uống nước suối nên răng rất trắng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét