Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu - L. Friedman | Dịch: Lê Minh, 736 Trang

TTCN - Để đọc cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu (*), bạn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bị tác giả Thomas Friedman khiêu khích, đôi lúc đến chỗ cực đoan. Nhưng dù tán thành hay phản bác quan điểm của tác giả, sách buộc chúng ta phải đọc đến tận trang cuối cùng và mãi băn khoăn về số phận con người trong cơn lốc toàn cầu hóa. Là một cây bút bình luận quan hệ quốc tế của tờ New York Times, Thomas Friedman có điều kiện đi khắp thế giới, tiếp xúc với đủ loại người, chứng kiến những biến cố lịch sử. Từ những kinh nghiệm ấy, Friedman đã viết cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, in lần đầu vào năm 1999 và ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, được bàn tán nhiều nhất về toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa, theo quan điểm của Friedman, không phải là một trào lưu thời thượng mà là một hệ thống quốc tế thay chỗ cho hệ thống chiến tranh lạnh, đang trực tiếp hay gián tiếp tác động đến chính trị, môi trường, địa chính trị và kinh tế của hầu như mọi quốc gia trên thế giới.
Nói trắng ra đó là sự bành trướng không gì ngăn cản nổi của chủ nghĩa tư bản quốc tế khi các rào cản chính trị, địa lý, tài chính, thông tin... được tháo gỡ để tạo dòng chảy thoải mái cho đồng vốn, công nghệ đi khắp thế giới, tác động đến từng cá nhân và lối sống của họ. Thúc đẩy cho cơn lốc toàn cầu hóa này là các định chế quốc tế như WTO, IMF và các tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Trong hệ thống này, mọi quốc gia phải tuân thủ luật chơi khắc nghiệt mà Friedman gọi là “chiếc vòng kim cô” như Tôn Ngộ Không từng phải mang. Còn những nhà tư bản tài chính, xua đồng vốn – cả trực tiếp lẫn gián tiếp – của mình đến bất kỳ đâu kiếm ra lợi nhuận nhiều nhất được gọi là “bầy thú điện tử”. Nếu đáp ứng đúng luật chơi, tức là mở cửa thị trường, thả nổi và tư nhân hóa nền kinh tế, một quốc gia mới mong cạnh tranh và mời được “bầy thú” vào nhà, cuộc sống của người dân sẽ nhanh chóng được cải thiện. Còn ngược lại, nếu luật lệ tù mù, xã hội thiếu minh bạch, quyền lực rơi vào một nhóm người, “bầy thú” sẽ bỏ đi, giẫm nát luôn mọi thứ trên đường tháo chạy.
Dĩ nhiên “bầy thú” sẽ tác động gây áp lực để các quốc gia phải chịu khoác vòng kim cô, ngoan ngoãn sửa đổi luật lệ cho chúng dễ hoạt động. Chúng làm vậy không phải là để cổ vũ cho một nền dân chủ mà là để tăng khả năng dịch chuyển và bảo vệ tài sản. Friedman khẳng định ông “hoàn toàn hiểu rõ những mặt trái của toàn cầu hóa”. Bởi theo ông, đứng về mặt văn hóa, toàn cầu hóa hiện nay bao gồm một quá trình “Mỹ hóa” - dù tốt hay xấu. Trong hoàn cảnh đó, con người không còn lựa chọn nào khác mà phải “hội nhập”, trở thành những con người cô đơn, xã hội giảm tính người, và quốc gia có nguy cơ đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống của mình mà Friedman hình tượng hóa thành những cây ôliu. Toàn cầu hóa còn có tiềm năng hủy diệt môi trường, phá hủy hệ sinh thái trên qui mô lớn. Ông viết: “Toàn cầu hóa có thể tiếp sức vô hạn nhưng cũng có thể chèn ép con người vô cùng. Toàn cầu hóa có thể phân bổ các cơ hội nhưng cũng khiến tràn lan sự hoang mang”. Những điều nói trên thật ra không có gì mới nhưng lối viết sách của Friedman lôi cuốn người đọc vì ông dùng rất nhiều mẩu chuyện cụ thể để minh họa lập luận của mình – từ các lần gặp gỡ nguyên thủ nhiều nước với những tình tiết hấp dẫn đến các câu chuyện đời thường sinh động.
Tuy nhiên đến phần thứ ba của cuốn sách, Friedman hình như không còn giữ được tính khách quan của một nhà báo. Say sưa trước hình ảnh về một hệ thống quốc tế hoàn hảo, Friedman cho rằng động lực toàn cầu hóa sẽ xóa nạn tham nhũng, cửa quyền, sẽ lành mạnh hóa bộ máy hành chính, minh bạch hóa thị trường, sẽ dẫn đến tự do báo chí - nói chung là tạo ra một quá trình dân chủ hóa mạnh mẽ. Sức mạnh toàn cầu hóa mà mô hình mẫu mực là xã hội Mỹ, theo ông, sẽ chữa lành các căn bệnh của thế giới!

Read more: http://www.thuvienso.info/index.php/component/thuvientructuyen/chitiet/xem/1984/chiec-lexus-va-cay-o-liu-l-friedman-dich-le-minh-736-trang#ixzz1i6xdLiqi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét