Nhằm hỗ trợ cho chính sách phát triển nông thôn, cũng như để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của sản xuất, môn học Nông Lâm Kết Hợp được Chương trình Hỗ trợ Lâm nghiệp Xã hội (SFSP), dự án mạng lưới đào tạo nông lâm kết hợp (SEANAFE) cùng năm trường đại học trong nước gồm Đại Học Nông Lâm Thủ Đức, Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại Học Lâm Nghiệp Xuân Mai, Đại Học Nông Lâm Huế và Đại Học Nông Lâm Tây Nguyên đã soạn thảo tập bài giảng nông lâm kết hợp này để phục vụ cho giảng dạy và học tập cho các trường từ năm 2000. Môn học này được đặt cơ sở trên sự phối hợp hài hòa của các chuyên môn chính của nhà trường như nông, lâm và súc học để tạo ra một ngành học phát triển vững bền và mang tính bảo vệ sinh thái ở vùng đồi núi cao. Ngoài ra, môn học cũng đã dựa vào các nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới về lãnh vực sử dụng đất vững bền từ hơn 30 năm trở lại đây.
Phần bài giảng của môn này được xây dựng nhằm giới thiệu một cách khái quát về cơ sở và kỹ thuật Nông Lâm kết hợp. Nó được chia ra làm 5 phần: Phần 1 giới thiệu hình ảnh thực sự của vùng đồi núi cao hiện nay với sự tập trung vào hiện tượng du canh phá rừng làm rẫy và sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên ở nước ta. Phần hai thảo luận về các khái niệm cơ bản của nông lâm kết hợp. Chương thứ ba giới thiệu các hệ thống nông lâm kết hợp chính ở Việt Nam gồm các hệ thống truyền thống và cải tiến. Phần thứ tư giới thiệu tổng quát các kỹ thuật nông lâm kết hợp áp dụng cho các trang trại nhỏ gồm trồng trọt và chăn nuôi. Và Phần thứ năm tổng kết các cách tiếp cận để thiết kế, xây dựng và phát triển các hệ thống Nông Lâm kết hợp nhằm đưa kỹ thuật này vào thuc tế nông thôn.
Ước vọng của các tác giả là phần bài giảng này không dừng ở một chỗ mà còn phải được bổ sung liên tục để làm tài liệu hướng dẫn cho sinh viên triển khai các công tác phát triển nông thôn của mình trong tương lai. Tác giả hoàn toàn tin tưởng vào sự quan tâm và nhiệt tâm của người đọc và sinh viên trong việc cải tiến không ngừng nội dung của bài giảng này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét