Một ngày nọ, tạm gọi là tình cờ, tôi nhận được tuyển tập truyện ngắn DẤU CHÂN NGÀY XƯA của Đồng Sa Băng gởi đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Tôi tham lam đọc ngấu nghiến lần lược theo thứ tự của mục lục lục mà khi thấy cay mắt thì đã 2 giờ sáng! Cũng chính vì sự tham lam này mà tập truyện đã "cao chạy xa bay" ngay buổi sáng hôm sau khi tôi rời khỏi nhà. Thằng bạn ngủ "quá giang" hôm đó nó đã rinh đi mất, sau đó nó còn bị người khác rinh tiếp nên tập truyện chỉ quay lại tôi sau gần ba tuần với nhiều cuộc điện thoại "đòi nợ"!
Toàn tập truyện như một cuốn hồi ký về quê hương. Tác giả không có ý định xây dựng một nhân vật chính nào cả, tất cả đều "kể" ra rất thật. Thật như đời sống thường nhật, thật như những con người bình dị nói bằng ngôn ngữ của quê hương ruộng đồng. Truyện ngắn của Đồng Sa Băng không hề thấy sự trau chuốc từ ngữ, thậm chí không sửa các từ địa phương mà chúng ta thường cho rằng khó biết, khó hiểu. Và cũng chính vì điều này ta lại cảm thấy hương vị của hoa đồng cỏ nội lại ngào ngạt lang tỏa khi đọc tập truyện. Đọc truyện của Đồng Sa Băng tôi liên tưởng đến "Thằng quỷ nhỏ", "Buổi chiều window"... của Nguyễn Nhật Ánh mà ngày xưa tôi thèm đọc như người nghiện thèm thuốc.
Xin chân thành cảm ơn tác giả đã vẽ lại bức tranh về đồng quê xứ Quảng bằng cả ký ức và tấm lòng của một người xa xứ. Trong bức tranh này có bóng dáng người mẹ, có em thơ, có tiếng gà sớm trưa, có tiếng bình yên mỗi buổi tinh mơ của học trò rủ nhau đi học, có tiếng khóc cười của buồn vui cuộc sống. Ai lớn lên từ quê hương có đồng ruộng, có núi đồi, có sông nước có lẽ cũng sẽ thấy ít nhiều dấu chân của chính mình trong số các DẤU CHÂN NGÀY XƯA đã in hằn trên quê hương yêu dấu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét